Trong khi đó, với vị thế cách quận 1,
khu trung tâm hiện hữu của TP HCM chỉ một bờ sông, bán đảo Thủ Thiêm (quận 2)
đã tăng giá 138% so với cùng kỳ. Giá đất bình quân tại Thủ Thiêm hiện nay đạt
188,6 triệu đồng mỗi m2.
Bán đảo Thanh Đa thuộc địa phận quận
Bình Thạnh, từ nhiều năm qua chết danh là khu quy hoạch treo giữa lòng Sài Gòn
nhưng cũng có giá đất tăng 87,5% so với đầu tháng 12/2016. Giá đất bình quân
trên địa bàn này giữ mức 109,4 triệu đồng mỗi m2.
Xếp thứ tư trong nhóm các đảo, cù lao
của Sài Gòn có giá đất vọt lên cao trong một năm qua là bán đảo Hiệp Bình Phước
(quận Thủ Đức), ghi nhận cột mốc bình quân 44,5 triệu đồng mỗi m2, tỷ lệ tăng
61%.
Có vị trí cực kỳ đắc địa, chỉ cách
trung tâm quận 1 khoảng 15 phút đi ca nô trên sông Sài Gòn nhưng đảo Kim Cương
(quận 2) lại có tốc độ tăng giá thấp hơn 4 bán đảo và huyện đảo còn lại. Giá đất
tại đây chỉ tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái dù từng có vài quý leo thang
chóng mặt, một số tuyến đường thuộc đảo này đội lên đến 80% so với hồi đầu năm.
Hiện giá đất bình quân tại cù lao hình giọt nước này ghi nhận 70,8 triệu đồng mỗi
m2.
Gachvang đánh giá, có 3 lý do chính
khiến giá đất tại các đảo, bán đảo và cù lao của Sài Gòn tăng giá chóng mặt
trong 12 tháng qua. Thứ nhất là cú hích hạ tầng quá mạnh mẽ, cụ thể là các cây
cầu nối đảo với khu trung tâm thành phố được công bố, vẽ ra viễn cảnh tươi sáng
do hạ tầng mang lại.
Thứ hai là các ông lớn bất động sản,
những đại gia máu mặt trong ngành bất động sản đều đã dần lộ diện tham vọng
phát triển các dự án tầm cỡ, quy mô lớn trên các đảo này.
Thứ ba là quỹ đất tại TP HCM không còn
nhiều trong khi nhu cầu nhà ở có mảng xanh, gần sông nước ngày càng tăng lên
khiến cho đất trên các đảo trở thành xu hướng tiêu dùng thời thượng. Đơn vị này
đánh giá, trong năm 2018, nhiều khả năng giá đất tại các bán đảo, cù lao và huyện
đảo vẫn tiếp tục xu hướng tăng với biên độ ít hơn năm 2017.
Vũ Lê