Nguồn: World
Bank.
Theo báo cáo
của World Bank, khi nền kinh tế hồi phục, các chính sách hỗ trợ sẽ dần
được gỡ bỏ. Từ năm 2022 trở đi, cơ quan thực hiện chính sách tiền tệ sẽ quay
lại với quan điểm cẩn trọng nhằm cân đối giữa mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh
tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời vẫn theo dõi chặt chẽ sức khỏe của
khu vực tài chính.
Bội chi ngân sách cần
giảm dần từ mức 6% GDP năm 2021 xuống 5,9% năm 2022 và 5,4% năm 2023, để mở
đường cho quỹ đạo nợ bền vững từ trung đến dài hạn.
Trong trung hạn, các
biện pháp củng cố tài khóa sẽ lại được thực hiện để đảm bảo bền vững nợ. Các
cấp có thẩm quyền cần cải thiện hiệu quả thu ngân sách và hiệu suất chi tiêu,
đặc biệt là chất lượng đầu tư công, nhằm đáp ứng sự gia tăng dự kiến về cơ sở
hạ tầng và các dịch vụ xã hội có chất lượng mà Việt Nam sẽ cần trong thập niên
tới.
Bên cạnh đó, cán cân
vãng lai dự kiến vẫn thặng dư, mặc dù sẽ giảm từ 4,6% GDP năm 2020 xuống khoảng
0,5% GDP năm 2021.
Trong thời gian tới,
xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng do có lợi thế cạnh tranh vững
chắc trên các thị trường quốc tế và quyết định tiếp tục đa dạng hóa các đối tác
thương mại, qua đó tạo ra cơ hội kinh tế, với tín hiệu gần đây là việc ký kết
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực. Dự kiến, Việt Nam sẽ có khả năng
mở cửa lại cho du khách quốc tế vào năm 2022-2023.
Về cán cân tài chính,
dòng vốn FDI dự kiến sẽ phục hồi lại mức như trước COVID-19, do được nâng đỡ
bởi xu hướng tái cấu trúc các chuỗi giá trị toàn cầu, và nhu cầu đa dạng hóa
các nguồn đầu vào sản xuất của nhiều chính phủ và công ty đa quốc gia.
Nền kinh tế vẫn phải đối
mặt với rủi ro
Tuy nhiên, World
Bank cũng cho rằng dự báo trên cần nhìn nhận thận trọng vì vẫn còn những
bất định nghiêm trọng về quy mô và thời gian diễn ra đại dịch, trong đó có sự
xuất hiện của các biến thể mới và tốc độ tiêm vắc xin ở Việt Nam và ở các quốc
gia khác trên thế giới.
Nếu những rủi ro đó
trở thành hiện thực, quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam sẽ chậm lại, tốc
độ tăng trưởng GDP năm 2021 sẽ thấp hơn mức dự báo 4,8%. Thời gian để quay lại
xu hướng tăng trưởng như trước đại dịch và thực hiện củng cố tài khóa trong
trung hạn cũng sẽ kéo dài hơn so với dự kiến.
Viễn cảnh kinh tế
trong ngắn và trung hạn của Việt Nam phụ thuộc vào một số yếu tố như tốc độ
tiêm vắc xin trong nước và diễn biến của đại dịch và quá trình phục hồi hoạt
động kinh tế ở các quốc gia cạnh tranh xuất khẩu với Việt Nam. Bên cạnh đó,
tăng trưởng yếu hơn so với kỳ vọng ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của
Việt Nam có thể làm chậm quá trình phục hồi.
Quá trình phục hồi tại
Mỹ, Liên minh Châu Âu và Trung Quốc đang diễn ra nhưng còn mong manh. Nếu một
hoặc nhiều rủi ro nêu trên trở thành hiện thực, thì nhu cầu trong nước và xuất
khẩu sẽ không hồi phục lại như dự kiến.